Trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát, chứng kiến cảnh thị trường khan hiếm khẩu...
Vào sáng ngày 15/3/2021, Công ty Cổ phần Đầu tư IRB Holdings long trọng tổ...
Ngày 3/4/2021 vừa qua, Công ty Cổ phần đầu tư IRB rất vinh dự trở...

“Thuế tài sản nên cao gấp 10 lần với những người giàu”

Trái với đề xuất trong dự thảo của Bộ Tài chính, các chuyên gia cho rằng, mức thuế tài sản nên thấp từ 0,1% và lũy tiến. Nhà có giá trị từ 5 tỷ đồng mới phải chịu thuế.
Tách rời nhà và đất khi đánh thuế: có nên không?
Phát biểu tại hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam” tổ chức chiều 26/6 tại Hà Nội, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, hiện tại, đề xuất về mức thuế tài sản của Bộ Tài Chính còn khá nhiều điểm bất cập.
Theo vị chuyên gia, nếu thuế tài sản được áp dụng, không nên tách rời nhà và đất cũng như phải có biểu thuế lũy tiến (có thể trong thời gian 10 năm) để tránh bất công hoặc đánh thuế nhầm đối với người nghèo, người không đủ khả năng nộp thuế.
Tại Hội thảo, Luật sư nhấn mạnh, mức thuế khởi điểm nên thấp, ở mức 0,1 % và có thể tăng lên 10% (gấp 10 lần) với những người giàu.
“Nếu đánh thuế tài sản thì phải tiếp cận từ góc độ toàn bộ tài sản, chỉ đánh vào tài sản có giá trị lớn. Theo tôi, nên cộng dồn tài sản sở hữu và chỉ đánh thuế tài sản có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên”, Luật sư bày tỏ quan điểm.
Vị luật sư cho rằng, nên để ngưỡng giá trị chịu thuế là nhà đất có giá trị 5 tỷ đồng, theo mức giá thị trường thay vì giá cố định của UBND tỉnh, thành phố quy định và chỉ dựa vào giá để đánh thuế chứ không cần dựa vào vị trí hay diện tích nhà.
Điều này nhằm đảm bảo đánh thuế đúng những người sở hữu nhiều nhà, với giá trị tài sản lớn. Hình thức này tương tự như thuế thu nhập cá nhân, người có thu nhập cao chịu mức thuế cao hơn.
So sánh với nhiều quốc gia trên thế giới, Luật sư viện dẫn, người dân chủ yếu đi thuê nhà, chỉ người giàu mới mua hoặc sở hữu nhà. Trong khi đó, tại Việt Nam, những người thu nhập thấp vẫn có nhà từ vài trăm triệu đồng.
Do vậy, nếu đánh thuế dựa trên các tiêu chí đã đề xuất của Bộ Tài Chính có thể gây ra tình trạng đánh thuế người thu nhập thấp.
 
 
Thuế tài sản nên cao gấp 10 lần với những người giàu
Chuyên gia cho rằng nên cộng dồn tài sản sở hữu và chỉ đánh thuế tài sản có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên.
Chia sẻ bức tranh về thuế tài sản tại bang Ontario Canada, ông Nicolas Drouin (Bí thư thứ nhất– Ban Hợp tác Phát triển Canada), cho biết, hàng năm, bang này thu khoảng 19 tỷ đô la Canada (tương đương 325.983 tỷ đồng) thuế tài sản. Số tiền nộp thuế phụ thuộc vào giá trị tài sản sở hữu và Canada cũng chỉ áp dụng một mức thuế chung cho cả nhà và đất.
“Cứ 4 năm/lần, Tập đoàn Định giá Tài sản Ontario sẽ định giá khoảng 5 triệu tài sản. Có đến 200 tiêu chí được sử dụng để định giá nhà ở. Nhưng quan trọng nhất là 5 tiêu chí bao gồm: vị trí, kích thước lô đất, khu dân cư, tuổi đời tài sản, chất lượng xây dựng (chiếm đến 85% nội dung định giá).
Việc làm này nhằm đảm bảo giá trị định giá phản ánh sát sao thị trường bất động sản”, ông Nicolas Drouin chia sẻ.
Lấy ví dụ tại Ottawa năm 2017, ông Nicolas Drouin cho biết: với mức thuế suất 1,068%, trung bình mỗi công dân đóng 10.68 USD cho 1000 USD trị giá tài sản.
Dựa theo giá trung bình một ngôi nhà ở Ottawa năm 2017 là 434,500 USD thì thuế tài sản mà cá nhân phải trả thời điểm này sẽ là: 10.68 x 434.5 (số đơn vị ứng với mỗi 1000 USD trị giá tài sản) = 4640.46 USD (hơn 79 triệu đồng).
Một điểm đáng chú ý, ở bang này thì nhà ở thứ nhất, nhà thứ 2 trở đi và nhà ở chung cư phải chịu thuế tài sản. Xe hơi, thuyền, máy bay và các loại hàng hóa khác phải chịu thuế bán hàng/doanh thu.
Tuy phải đóng thuế tài sản, nhưng mức thuế sẽ có thể là khoản giảm trừ đối với hộ gia đình thu nhập thấp.
Ngoài thuế tài sản hàng năm, người dân Canada cũng trả 1 lần thuế chuyển nhượng tại thời điểm mua tài sản (khoảng 1-2.5% giá trị tài sản ở bang Ontario). Khi bán, người sở hữu tài sản được miễn miễn thuế lợi nhuận từ tài sản cho nhà ở thứ nhất, nhưng phải trả thuế từ nhà thứ 2 trở đi.
Gợi ý nào cho thuế tài sản ở Việt Nam
Tại Hội thảo, các chuyên gia đều đồng tình về việc cần có chính sách thuế phù hợp với tình hình, điều kiện trong nước.
Bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng Ban Chính sách Tài chính công, Viện chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết, hiện đã có 174/193 nước áp dụng thuế tài sản. Đây là nguồn thu quan trọng của các quốc gia.
Trong đó, có 65 nước gọi là thuế tài sản, 51 nước gọi là thuế bất động sản. Vì thế, bà cho rằng, luật thuế mới nên lấy tên gọi là Thuế bất động sản.
Tỷ trọng số thu từ thuế tài sản cho thấy đây là nguồn thu quan trọng của nhiều quốc gia.
Theo vị chuyên gia, mỗi quốc gia lại có phương pháp tính thuế, mức thuế suất và quy định rõ các trường hợp được miễn, giảm thuế khác nhau.
“Nhiều nước gộp chung giá trị nhà và giá trị đất khi tính thuế như Indonexia, Thái Lan, Philipin. Một số nước như Hàn Quốc lại áp dụng biểu thuế riêng với nhà và đất, nhưng điều tiết cao hơn đối với đất. Hoặc một số nước như Úc, Israel, Kenya, Nga, Lào… thì quy định đối tượng chịu thuế là đất, không đánh thuế đối với nhà”, bà Mai Liên liên hệ.
 Mức thuế suất tại Pháp sẽ áp dụng thêm 20% đối với bất động sản thứ 2. Hay ở Anh, áp dụng mức thuế suất thuế trước bạ đối với giá trị giao dịch của bất động sản mua thêm (sở hữu mới) cao hơn mức thuế suất đối với bất động sản sở hữu đầu tiên là 3%.
“Đối với việc miễn, giảm thuế, tùy theo tính chất của tài sản thì ở Hy Lạp, tài sản có thời gian trên 100 năm được coi là di tích lịch sử sẽ miễn thuế. Trong khi Nhật lại áp dụng, nếu giá trị định giá tài sản thấp (dưới 30.000 yên/m2) mới được miễn thuế”, bà Liên cho biết.
Do vậy, đối với Việt Nam, nữ chuyên gia cho rằng, nên quy định ngưỡng diện tích chịu thuế đối với nhà, đất (vượt một ngưỡng nhất định mới phải nộp thuế). Luật thuế tài sản nên quy định khung thuế suất, trên cơ sở đó phân cấp cho các địa phương tự quy định mức thuế suất phù hợp với trình độ phát triển của địa phương.
“Có các mức thuế suất phân biệt theo mục đích sử dụng đất nhằm đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính ưu tiên đối với từng lĩnh vực trong từng thời kỳ. Đồng thời, nên đánh thuế lũy tiến nhằm mục đích phân phối lại và đảm bảo công bằng theo chiều dọc”, bà Liên khuyến nghị.